Nhiều người trẻ điều trị béo phì
Một tháng qua, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận hơn 400 người trẻ dưới 40 tuổi điều trị béo phì, chiếm khoảng hơn một nửa số lượng người bệnh; chủ yếu làm công việc có tính chất ngồi lâu, nhiều áp lực, thiếu ngủ, không có thời gian vận động.
ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Phó khoa Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết thông tin trên; thêm rằng nhiều người trẻ đi khám và điều trị béo phì chủ yếu để cải thiện ngoại hình, kiểm soát cân nặng vì ngoại hình quá cỡ khiến họ tự ti, mặc cảm, gặp những khó khăn trong công việc.
“Phần lớn người trẻ đi khám và điều trị béo phì chủ yếu để giảm cân, cải thiện ngoại hình hơn là để phòng ngừa các biến chứng sức khỏe. Họ ít nhận ra các nguy cơ tiềm ẩn của bệnh như tim mạch, tiểu đường, vấn đề về xương khớp vì các biến chứng này thường chưa biểu hiện rõ ràng ở độ tuổi này, song ảnh hưởng và diễn tiến nặng hơn về lâu dài. Còn người trung niên lại thường đi khám và điều trị béo phì khi đã có những biến chứng như đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa…”, bác sĩ Trâm nói.
Theo bác sĩ Trâm, nhiều người trẻ đi khám và điều trị béo phì thường có công việc bận rộn, áp lực, thường chọn ăn hàng quán hay thức ăn chế biến sẵn thay vì tự nấu. Càng áp lực, càng tìm đến ăn uống để giải tỏa cảm xúc, họ càng không kiểm soát được năng lượng nạp vào cơ thể.
Chưa kể, nhiều người trẻ đến điều trị cho biết, họ còn giải quyết công việc vào buổi tối nên thường ăn vặt như khoai tây chiên, snack, uống nước ngọt, cafe để tỉnh táo làm việc. Việc không duy trì bữa ăn đúng giờ, thường ăn khuya hoặc ăn vặt liên tục dẫn đến lượng calo nạp vào cơ thể cao hơn nhu cầu và làm tăng khả năng tích trữ mỡ. Ngủ không đủ giấc, thiếu ngủ cũng làm rối loạn rối loạn hormone kiểm soát cảm giác đói và no, gây ra tình trạng thèm ăn và tích mỡ nhiều hơn.
Công việc có tính chất ngồi lâu, thường xuyên tham gia các buổi tiệc với đối tác, ít vận động khiến lượng calo tiêu thụ không được đốt cháy, tích tụ mỡ thừa, gây tăng cân.
Theo Thư viện Y khoa Mỹ, công việc văn phòng, lịch làm việc ca đêm, ít vận động… là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì.
Đơn cử như chị N.L.P. (25 tuổi, trưởng bộ phận một công ty tại Tân Bình) cao 1m53, nặng 75 kg. Chị thăng chức cách đây 2 năm cũng là lúc cân nặng chị tăng không phanh vì công việc áp lực hơn, nhiều trách nhiệm hơn. Chị ăn uống không kiểm soát, cân nặng tăng từ 52 kg lên 75 kg. Những cuộc họp triền miên khiến chị đói đâu ăn đó, ăn bánh ngọt, đặt đồ ăn vặt, trà sữa theo các đồng nghiệp tại văn phòng. Nếu không ăn thì chị không có năng lượng làm việc.
Chị P. cũng từng mua thẻ tập yoga, tập gym nhưng tập vài bữa lại thôi vì chị không có thời gian, công việc thường kết thúc 8-9 giờ tối. Chị cũng từng áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng, giảm 5 kg nhưng rồi lại tăng 7 kg.
Công việc đến tối muộn mới về nhà, chị không có thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, vẫn còn việc chưa xử lý xong, chị mua thức ăn ngoài buổi tối như bún, bánh canh để ăn rồi tiếp tục làm. Có hôm chị làm đến 1-2 giờ sáng.
Chị P. tự ti về ngoại hình, chỉ chú tâm công việc, hạn chế cuộc gặp bạn bè. Vì nhiều lần, bạn bè nói “P. mập lên, quá thay đổi so với hồi xưa”. Nghe nhiều, chị càng chán nản, khép mình, không muốn gặp ai. Chị chưa lập gia đình, tự ti về ngoại hình nên nhiều chàng trai hẹn chị, chị cũng không gặp. Chị luôn ước có thân hình mảnh mai nhưng bế tắc khi giảm cân không hiệu quả vì lịch sinh hoạt, làm việc dày đặc và nhiều áp lực.
Lần gần nhất khiến chị buồn là công ty sắp có một cuộc gặp quan trọng với đối tác, dù sáng giá về năng lực và kinh nghiệm nhưng chị không được xem xét. Lý do không chính thức mà chị nghe được từ một đồng nghiệp thân cận là “chị có thể không tạo được ấn tượng tốt về mặt ngoại hình”. Cảm giác bị đánh giá thấp chỉ vì cân nặng khiến chị càng cảm thấy tự ti hơn.
Ám ảnh về ngoại hình khiến chị ráo riết tìm nơi giảm cân khoa học, có hướng dẫn của bác sĩ để an toàn, hiệu quả. Chị đến khám và điều trị tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, được bác sĩ chẩn đoán béo phì độ 1, mỡ nội tạng 172 cm2 sau khi đo các chỉ số Inbody, thực hiện các xét nghiệm liên quan. “Mong bác sĩ hướng dẫn tôi giảm cân càng sớm càng tốt”, chị nói.
Bác sĩ Trâm hướng dẫn và điều trị nội khoa; chuyên viên dinh dưỡng tư vấn chị chế độ ăn uống phù hợp với lịch làm việc, hỗ trợ quá trình giảm cân. Đồng thời, các chuyên viên vận động cũng hướng dẫn chị bài tập phù hợp với lịch làm việc dày đặc của chị, như chạy bộ nhẹ nhàng khoảng 20-30 phút ở công viên cạnh công ty.
“Giảm cân cần có lộ trình theo hướng dẫn của bác sĩ, khoa học, đều đặn; không giảm quá nhanh, quá nhiều vì sẽ tăng cân trở lại. Quan trọng là giảm cân bền vững”, bác sĩ Trâm giải thích.
Sau hơn 6 tuần, chị P. giảm 4 kg, mỡ nội tạng giảm 10cm2 sau khi tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ, chuyên viên Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì. “Tôi tiếp tục tuân thủ để tiếp tục giảm cân. Vì giải pháp rất phù hợp với lịch làm việc, sinh hoạt và quan trọng là không khiến tôi áp lực”, chị P. nói.
Tương tự, anh N.V.D. (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Nha Trang) đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám vì muốn kiểm soát cân nặng. BMI anh D. khoảng 36,8 kg/m2. Anh cao 1,64m, nặng 99 kg.
Từ kết quả đo chỉ số Inbody và xét nghiệm liên quan, anh được chẩn đoán béo phì độ 2, gan nhiễm mỡ độ 2, viêm khớp gối. Anh D. thường xuyên đi công tác, tiếp khách, tiếp đối tác nên tiệc tùng triền miên. 4 năm gần đây, công việc nhiều hơn, đảm nhiệm thêm nhiều công việc hơn cũng là lúc anh ăn uống thất thường, không kiểm soát, không tập thể dục thường xuyên nên cân nặng tăng không phanh.
Anh từng thử chạy bộ 1–2 lần/tuần nhưng vì không đều đặn và khi cân nặng tăng lên, càng chạy anh càng đau khớp gối nên từ bỏ. Công việc đi công tác thường xuyên anh cũng không áp dụng được chế độ ăn kiêng nào thành công, cứ nửa chừng lại thất bại.
Bác sĩ Trâm cùng các bác sĩ, chuyên viên Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì phối hợp xây dựng kế hoạch điều trị giảm cân cho anh D. phù hợp với lịch làm việc, sinh hoạt, bệnh lý của anh. “Không chỉ giúp người bệnh giảm cân mà còn giúp người bệnh đẩy lùi nguy cơ của các biến chứng”, bác sĩ Trâm nói.
Chuyên viên vận động hướng dẫn cho anh P. các bài tập phù hợp với tình trạng viêm khớp gối. Chuyên viên dinh dưỡng hướng dẫn anh khẩu phần ăn không quá kiêng khem, khắt khe, phù hợp với công việc thường xuyên đi công tác của anh. Tuân thủ theo hướng dẫn và cập nhật thường xuyên tiến độ với bác sĩ Trâm, anh D. giảm được 6 kg sau gần 2 tháng.
Bác sĩ Trâm cho biết, béo phì không chỉ là vấn đề ngoại hình, vóc dáng hình thể mà là một bệnh mạn tính với nhiều biến chứng như đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày, các bệnh tim mạch, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Người thừa cân trước tuổi 40 có thể tăng nguy cơ ung thư lên đến 70% đối với ung thư niêm mạc tử cung ở nữ, 58% đối với ung thư tế bào thận ở nam giới, 29% đối với ung thư đại trực tràng ở nam giới, 15% đối với tất cả các loại ung thư liên quan đến béo phì (cả nam và nữ), theo nghiên cứu của Đại học Bergen ở Na Uy.
Cũng theo nghiên cứu của Đại học này, béo phì cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 500.000 ca ung thư mới mỗi năm – con số này dự kiến sẽ tăng lên khi tỷ lệ béo phì tiếp tục gia tăng. Khoảng 4–8% trong số tất cả các loại ung thư là do béo phì, theo Theo Thư viện Y khoa Mỹ.
Điều trị béo phì cần có một kế hoạch toàn diện từ nội khoa, chế độ ăn uống, vận động, tâm lý, sử dụng công nghệ máy móc hiện đại. Đồng thời, song song với việc điều trị của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ và phối hợp mới dễ thành công.
Bác sĩ Trâm khuyến cáo, để kiểm soát cân nặng và phòng bệnh béo phì, người trẻ nếu có công việc áp lực, ngồi lâu, bận rộn nên hiểu về dinh dưỡng, ý thức việc ăn uống khoa học. Cần lựa chọn rau xanh, thức ăn không nhiều dầu mỡ. Nên mang theo ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi hoặc sữa chua không đường để ăn khi đói giữa giờ làm việc; tránh tình trạng đói đâu ăn đấy, bất kể snack, nước ngọt.
Hạn chế tối thiểu việc ăn uống theo cảm xúc. Hãy bắt đầu với những mục tiêu nhỏ như giảm lượng calo cụ thể mỗi ngày hoặc tập thể dục 3-4 lần/tuần, sau đó tăng dần. Nếu công việc yêu cầu ngồi lâu, cố gắng di chuyển 15-20 phút, vận động nhẹ các bài tập giãn cơ, đi bộ xung quanh phòng.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…