Thai phụ nôn ói liên tục do gần 20 viên sỏi mật
TP HCM_ Chị Hoa (29 tuổi) mang thai tuần thứ 19, đau bụng, nôn ói liên tục, bác sĩ phát hiện gần 20 viên sỏi lấp đầy túi mật và ống mật chủ.
Ngày 22/10, Tiến sĩ bác sĩ Phạm Công Khánh, chuyên khoa Tiêu hóa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nếu chị Hoa không được loại bỏ sỏi kịp thời sẽ dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng vỡ túi mật, hoại tử túi mật, thấm mật vào phúc mạc. Thậm chí, sóc mật, nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng của cả hai mẹ con.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) bụng cho thấy, chị Hoa có gần 20 viên sỏi ở túi mật và ống mật chủ, gây giãn đường mật trong và ngoài gan. Siêu âm bụng cũng ghi nhận lòng túi mật có nhiều sỏi kích thước 12 mm, thâm nhiễm quanh túi mật.
Chị Hoa cho biết, cách đây 3 tháng, chị bắt đầu có triệu chứng nôn ói, đau bụng vùng thượng vị kéo dài. Chị nghĩ đau bao tử nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nội soi. Kết quả nội soi bất ngờ phát hiện chị đang mang thai ở tuần thứ 6 và có sỏi ở túi mật. Lúc này, để đảm bảo an toàn cho thai nhi do còn quá nhỏ, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị nội khoa và theo dõi định kỳ cho chị Hoa.
Tuy nhiên, khi bước vào tuần thai thứ 19, những cơn đau quặn bụng lại xuất hiện, kèm tình trạng nôn ói nhiều. Có những lần chị đau nhưng không thể nằm vì khi nằm sẽ càng đau hơn nên chị chỉ có thể ngồi ôm bụng chịu trận.
Kết hợp các biểu hiện lâm sàng và kết quả chẩn đoán, bác sĩ Khánh kết luận chị Hoa bị viêm túi mật do viên sỏi to kẹt ở cổ túi mật, lại có nhiều sỏi ở ống mật chủ. Đây là nguyên nhân làm tắc nghẽn đường vận chuyển mật tự nhiên và gây viêm đường mật. “Người bệnh cần tiến hành phẫu thuật nhanh chóng để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Mẹ không sinh non và thai nhi không bị dị tật bẩm sinh”, bác sĩ Khánh cho biết.
Trước ca mổ, bác sĩ các chuyên khoa Gan – Mật – Tụy, Sản, Tim mạch và Gây mê hội chẩn để lựa chọn phương án an toàn nhất cho 2 mẹ con. Bác sĩ phẫu thuật cùng lúc thực hiện cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi.
Người bệnh được gây mê nội khí quản, che chắn vùng bụng dưới bằng áo chì để bảo vệ thai nhi khỏi ảnh hưởng của tia X. Bác sĩ thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi ở ống mật chủ. Chụp hình đường mật ghi nhận đường mật hai bên giãn nhẹ, ống mật chủ khoảng 8 mm, lòng có nhiều sỏi 5-7 mm ở đoạn cuối. Bác sĩ tiến hành cắt 75% cơ Oddi (một van tròn có vai trò điều chỉnh dòng chảy của dịch tiêu hóa), lấy hết sỏi ra ngoài. Sau đó, bác sĩ tiến hành thuật nội soi cắt túi mật. Trong lòng túi mật cũng có nhiều sỏi kích thước 6 – 8mm.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng, gần 20 viên sỏi mật được lấy ra khỏi cơ thể thai phụ. Hậu phẫu, chị Hoa hết đau bụng, sức khỏe của chị và thai nhi ổn định. Ba ngày sau mổ, người bệnh giảm đau nhiều, có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau đó 1 ngày.
Bác sĩ Khánh cho biết, cắt túi mật là phẫu thuật thường gặp trong thai kỳ, chỉ sau phẫu thuật cắt ruột thừa. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi mật. Nguyên nhân do cơ thể tiết ra nhiều hormone estrogen và progesterone, gây giãn các mô cơ, làm chậm quá trình bài tiết mật, dễ hình thành sỏi mật. Sỏi mật hình thành sẽ gây ra triệu chứng đau ở vùng thượng vị, tại vị trí túi mật; cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói, dữ dội theo từng cơn, có thể kèm theo sốt, buồn nôn. Ngoài ra, sỏi trong túi mật có thể di chuyển vào ống mật chủ gây tắc mật, viêm đường mật hay viêm tụy cấp.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu cơn đau không nghiêm trọng sẽ ưu tiên điều trị nội khoa để giảm triệu chứng hoặc không cần điều trị trong suốt thời gian mang thai. Tuy nhiên, nếu sỏi túi mật có biến chứng như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp thì bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật hay nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi. Phẫu thuật cắt túi mật an toàn cho thai phụ giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ.
Để phòng ngừa và ngăn biến chứng sỏi mật trong thai kỳ, bác sĩ Khánh khuyến nghị phụ nữ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối các nhóm dưỡng chất thiết yếu, nên hạn chế chất béo, tăng cường chất xơ, uống đủ nước và nên duy trì vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Đặc biệt, trước khi mang thai, cần tầm soát sức khỏe. Nếu có sỏi túi mật, nên đến khám tại chuyên khoa gan mật tụy để được tư vấn về hướng theo dõi và điều trị, tránh những biến chứng xảy ra trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con.
(*) Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…