Nghẹt thở giữa đêm vì bướu cổ 40 năm “tuổi”
3 tháng nay, bướu cổ của bà M. tăng kích thước từ cỡ trái quýt lên như trái ổi khiến bà khó thở, nuốt vướng. Bà M. sống một mình, không người thân hay con cái bên cạnh. Hàng đêm, bà bị nghẹt thở 3-4 lần. Bà phải ngủ ngồi, vừa ngủ vừa canh chừng “bướu” vì sợ ngủ quên sẽ không tỉnh lại. Bà M. sợ phẫu thuật vì thấy nhiều người xung quanh nói sau khi mổ u tuyến giáp bị nghẹt thở, khàn giọng, mất giọng.
Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, đặt tay lên cổ, kiểm tra u và tìm hạch xung quanh. Bác sĩ Tấn đánh giá đây là u lành tính, chỉ định siêu âm để đánh giá mức độ chèn ép gây khó thở. Kết quả chụp CT ghi nhận bướu cổ có kích thước lớn, phát triển ở cả 2 thùy tuyến giáp; trong đó thùy phải có kích thước 8x5cm, thùy trái kích thước 10x6cm, đè ép khí quản chỉ còn ½ so với bình thường. U chèn ép động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh. Bà cần được phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để không còn nghẹt thở, nuốt khó.
Ê kíp khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ phẫu thuật cho người bệnh. Ê kíp gặp khó vì khối u 40 năm chai cứng, bám chặt các mô xung quanh, nhiều mạch máu,… nếu không cẩn thận dễ gây biến chứng khàn giọng, mất giọng. Bác sĩ Tấn dùng dao siêu âm vừa cắt vừa hàn vết thương để cầm máu, khéo léo bóc tách toàn bộ tuyến giáp cùng với khối u khỏi các cơ quan lân cận. Cuộc phẫu thuật thành công sau 3 tiếng.
Sau phẫu thuật, bà M. thử gọi điều dưỡng, bất ngờ khi không bị khàn giọng, mất giọng như nhiều người nói. Bà được xuất viện sau 1 ngày theo dõi tại bệnh viện. Bà thấy cổ nhẹ nhàng và nỗi sợ bị mất giọng cũng không còn.
Dễ mất giọng sau phẫu thuật bướu cổ
Bác sĩ Tấn cho biết “bướu cổ” là tình trạng tuyến giáp tăng kích thước hoặc tế bào phát triển bất thường tạo một hay nhiều cục (nhân). Đây là bệnh tuyến giáp phổ biến, khoảng 80% trường hợp lành tính.
Bướu cổ có thể phát triển ở bất kỳ ai nhưng gặp nhiều ở phụ nữ. Đôi khi, bướu cổ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, thay đổi chức năng (tăng hay giảm hormone tuyến giáp). Trường hợp của bà M., bướu đã xuất hiện 40 năm trước, nhưng kích thước nhỏ và không làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp nên không cần điều trị. Hiện bướu tăng kích thước, gây nghẹt thở, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, cần phẫu thuật.
Thực tế nhiều người bệnh sau khi mổ bướu cổ đã bị khàn giọng, mất giọng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cuộc sống. Bởi phẫu thuật bướu cổ dễ gây tổn thương dây thanh quản và các tuyến cận giáp xung quanh, khiến người bệnh khàn giọng, hụt hơi, thậm chí mất giọng. Với bướu cổ lâu năm, chai cứng và dính vào các mô xung quanh khiến cuộc phẫu thuật khó khăn, nguy cơ mất giọng cao hơn. Do đó, người bệnh nên được phẫu thuật với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao và trang thiết bị máy móc hiện đại.
Nguyên nhân phổ biến gây bướu cổ là thiếu i-ốt. Bệnh còn có một số yếu tố nguy cơ như béo phì, kháng insulin, gia đình có người thân bị bướu cổ, cường giáp… Phụ nữ có nguy cơ mắc bướu cổ cao hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ trên 40 tuổi bởi quá trình lão hóa có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp. Người từng xạ trị ở vùng cổ hoặc ngực cũng có nguy cơ bị bướu cổ ác tính.
Người dân có thể phòng ngừa bệnh bằng cách bổ sung i-ốt trong chế độ ăn hàng ngày: cá, sữa, muối ăn chứa i-ốt… Khám sức khỏe định kỳ giúp người dân phát hiện bất thường và điều trị kịp thời. Trường hợp thấy u ở cổ, người dân nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra xác định u lành hay ác tính để có phương án theo dõi hoặc điều trị phù hợp.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…