Gắp sán lá gan lớn chui lên ống mật
Người bệnh đau bụng dữ dội, nhập viện cấp cứu lúc gần sáng, được bác sĩ phát hiện và điều trị sán lá gan lớn bằng nội soi đường miệng.
Chị Thơm (41 tuổi, Hưng Yên) đau bụng vùng thượng vị, hạ sườn phải, đau quặn từng cơn nhiều ngày liền. Chị đi khám và nội soi, được chẩn đoán bị viêm dạ dày. Chị uống thuốc kê đơn nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Chị nhập viện cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội do tiếp tục khởi phát cơn đau tương tự những lần trước nhưng mức độ dữ dội hơn, kéo dài 4 tiếng không dứt mặc dù đã dùng thuốc giảm đau.
TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết thăm khám và dựa theo triệu chứng lâm sàng, nghĩ đến bệnh về đường mật. Trên phim chụp cộng hưởng từ ghi nhận tổn thương ống mật chủ không điển hình. Vì vậy bệnh nhân tiếp tục được chỉ định nội soi siêu âm để kiểm tra, thấy có hình ảnh đường ray nhưng ngắn và không rõ (nếu điển hình đây là dấu hiệu giun chui lên ống mật chủ, tuy nhiên ngày nay giun chui ống mật chủ cùng ít gặp. Trước kia bệnh thường gặp vì điều kiện vệ sinh không tốt). Sau khi chị dùng các loại thuốc giảm đau liều mạnh nhưng không cải thiện, bác sĩ tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) cấp cứu.
Quá trình nội soi xác định nguyên nhân, bác sĩ tiến hành nong cơ Oddi bằng bóng, dùng bóng kéo tầm soát từ ống gan chung qua ống mật chủ xuống tá tràng, phát hiện hình ảnh sán đang di chuyển trong đường mật với kích thước khoảng 10 mm, và được kéo xuống ruột. Bác sĩ dùng vợt gắp sán ra khỏi cơ thể người bệnh (được các bác sĩ ký sinh trùng định danh là sán lá gan lớn). Đồng thời lấy mật để xét nghiệm vi sinh, kết quả cho thấy có rất nhiều trứng sán lá gan lớn trong dịch mật. Sau điều trị, người bệnh hết đau, ăn uống trở lại sau 1 ngày. Chị Thơm được chỉ định dùng thuốc tẩy sán và ấu trùng sán, tránh biến chứng nguy hiểm đến đường tiêu hóa như viêm đường mật, và nguy cơ ung thư đường mật sau này…
Sán lá gan có hai loại: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Người nhiễm sán lá gan nhỏ thường do ăn gỏi cá (cá chưa nấu chín) nước ngọt. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn cao trên thế giới. Với sán lá gan lớn, nguồn lây nhiễm chính ở người chủ yếu do thói quen ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín có chứa ấu trùng sán lá gan lớn như rau cần, rau ngổ, ngó sen, cải xoong, rau răm… Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh như phụ nữ, người trên 60 tuổi, thường xuyên tiếp xúc với động vật hoặc nuôi động vật, ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh, uống nước có chứa ấu trùng sán…
Bác sĩ Khanh giải thích, vật chủ chính của sán lá gan lớn là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu. Người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh. Vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea. Trứng sán lá gan lớn thải qua phân từ động vật ăn cỏ bị nhiễm và chứa trong nước ao, hồ. Trong nước, trứng nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc để bám vào các loại rau dưới nước hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn. Khi người ăn các loại rau này hoặc uống nước chưa nấu chín, ấu trùng sẽ vào lòng ruột, xuyên thành ruột, phúc mạc và bao gan, phát triển và di chuyển đến đường mật. Sán lá gan lớn ký sinh, gây bệnh và đẻ trứng, giải phóng qua đường ruột ra ngoài môi trường theo phân.
Bệnh sán lá gan lớn có 2 giai đoạn. Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh ăn phải thức ăn nhiễm sán lá gan lớn, di chuyển ấu trùng từ ruột vào gan gây tổn thương nhu mô gan, áp xe gan. Ở giai đoạn tiến triển, sán lá gan di chuyển và sinh sản trong đường mật. Theo bác sĩ Khanh, đa phần người bệnh được phát hiện sán lá gan lớn ở giai đoạn cấp và chẩn đoán là áp xe gan do sán lá gan lớn. Sán lá gan lớn gây bệnh ở đường mật như chị Thơm rất ít gặp.
Người mắc bệnh sán lá gan lớn thường có các triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải, thượng vị, buồn nôn, mệt, tiêu chảy, sốt, vàng da, chán ăn, ngứa ngoài da, sút cân… Khi nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ chỉ định siêu âm gan để phát hiện áp xe gan, chỉ định xét nghiệm kháng thể sán lá gan lớn trong huyết thanh, soi tươi tìm trứng sán trong phân (ít khi tìm thấy), xét nghiệm có tăng bạch cầu ái toan… Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị triệt để có thể gây ra tình trạng áp xe gan, viêm đường mật, ứ mật, dày thành đường mật, nặng hơn có thể gây ra ung thư đường mật…
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, khi điều trị khỏi sán lá gan lớn và ký sinh trùng khác, cần dự phòng cho người bệnh. Cần lưu ý an toàn thực phẩm: rửa rau nhiều lần bằng nước sạch, hoặc dung dịch khử trùng để loại bỏ ký sinh trùng; hạn chế ăn rau sống, nhất là ở vùng có nguy cơ cao, các loại rau mọc ở vùng nước ngọt, bùn lầy như rau cần, rau ngổ, rau răm, rau cải xoong…; nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ cao để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn ký sinh trùng; uống nước đun sôi hoặc nước đã qua xử lý bằng máy lọc an toàn; tránh dùng nước từ ao, hồ, sông, suối không đảm bảo vệ sinh; rửa thực phẩm và dụng cụ nhà bếp trước và sau khi sử dụng… Người sống ở vùng có nguy cơ nhiễm cao (đặc biệt là người làm việc trong môi trường chăn nuôi, nông nghiệp) cần thăm khám sức khỏe định kỳ.