Cứu thận vỡ đôi cho chàng trai 29 tuổi
Thận trái vỡ làm hai do tai nạn giao thông, máu chảy ồ ạt từ vết rách sâu khiến anh N.V.K., 29 tuổi, đối diện nguy cơ cắt thận.
Hai tuần trước, anh K. chạy xe máy xuống dốc cầu thì gặp xe máy khác đột ngột vượt lên phía trước. Anh thắng gấp để tránh nhưng mặt đường trơn trượt, anh mất lái, cả cơ thể bị hất văng về phía trước. Sau cú va đập, anh đau hông, tức bụng, mắc ói, lập tức được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.
Chẩn đoán cứu thận tính bằng giây
Bác sĩ chuyên khoa I Lý Minh Hoàng, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ở vị trí 1/3 dưới thận trái có vết rách sâu chia quả thận thành hai phần, nhiều vùng mô thận dập nát nghiêm trọng.
Máu chảy ồ ạt từ vết rách, tràn ra khoang sau phúc mạc, hình thành khối máu tụ lớn 10cm bao quanh thận. May mắn, các mạch máu chính nuôi thận chưa bị tổn thương, giúp duy trì “sự sống” cho cả hai phần thận. Thận vỡ đôi cũng khiến nước tiểu rò rỉ ra ngoài, anh K. đối mặt nguy cơ nhiễm trùng.
Anh được xác định bị chấn thương thận trái độ 4.
Theo bác sĩ Hoàng, với những trường hợp chấn thương thận nghiêm trọng như anh K., thận đang chảy máu ồ ạt, khó tiếp cận, khó cầm máu trong phẫu thuật, tiềm ẩn rủi ro phải cắt thận nên tại thời điểm đó, bác sĩ đánh giá người bệnh tốt nhất nên trì hoãn can thiệp phẫu thuật và lựa chọn nút mạch thận – phương pháp cầm máu kỹ thuật cao, ít xâm lấn, ít nguy cơ hơn cho người bệnh.
Cuộc hội chẩn trong tích tắc, các bác sĩ chỉ định nút mạch thận ngay để cầm máu trước, khi người bệnh phục hồi mới thực hiện phẫu thuật. Phương án này giúp anh K. tránh nguy cơ phải cắt thận ở độ tuổi còn trẻ.
Hai ngày sau nút mạch, thận trái của anh K. ngừng chảy máu, giảm đau, kích thước khối máu tụ giảm còn 7cm, máu nuôi lưu thông đến thận ổn định. Tuy nhiên, do trước đó, nước tiểu và máu bị tràn ra ngoài nhiều đẩy hai phần thận ra xa nhau hơn; đồng thời, anh bị sốt cao, là dấu hiệu nhiễm trùng do rò rỉ nước tiểu nên được điều trị kháng sinh nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Đến ngày thứ 4, anh K. được theo dõi sát diễn tiến mất máu. Chỉ số HgB (lượng hồng cầu trong máu) giảm dần từ 15,3 g/dL xuống 13,2 g/dL đột ngột tụt xuống 9,5 g/dL. Anh lập tức được truyền hai đơn vị máu, tình trạng mất máu đã hoàn toàn dừng lại.
Anh K. được chỉ định nằm bất động trong suốt thời gian phục hồi sau nút mạch thận nhằm tránh làm vỡ khối máu tụ quanh thận, nguy cơ thận tiếp tục chảy máu.
Bác sĩ Hoàng giải thích xung quanh thận được bao bọc bởi một khoang kín. Khi thận chảy máu ồ ạt, khoang này được lấp đầy trở nên căng, tạo áp lực khiến thận ngưng chảy máu. Đây là cơ chế tự cầm máu của thận. Nếu khoang này bị vỡ sẽ khiến thận chảy máu trở lại, đe dọa tính mạng người bệnh.
“Vá” vết rách trên thận
Một tuần sau, tình trạng chảy máu được kiểm soát nhưng do bể thận (nơi chứa nước tiểu của thận) đã vỡ nát, nước tiểu không ngừng rò rỉ ra ngoài nên các bác sĩ khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quyết định phẫu thuật dẫn lưu máu tụ và nước tiểu quanh thận kèm khâu nối bảo tồn thận
Ê kíp phẫu thuật gồm: TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm; ThS.BS Nguyễn Tân Cương, Phó khoa; BS.CKI Lý Minh Hoàng và ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Nghĩa.
Các bác sĩ rạch một đường khoảng 15cm tại vùng hông lưng trái của người bệnh, bóc tách, mở đường vào thận.
Bác sĩ Hoàng cho biết khi mở khoang sau phúc mạc nhận thấy máu chảy tràn đầy khoang và mỡ quanh thận, che mất thận. Lượng máu chảy vào khoang quanh thận khoảng 1 lít, máu cục khoảng 500-700ml. Do đó, ê kíp hút hết lượng máu này ra ngoài để bộc lộ thận, thuận tiện thao tác phẫu thuật.
Tiếp theo, ê kíp khâu ghép hai phần thận bị vỡ. Do mô xung quanh vết rách bị dập nát nghiêm trọng, không còn mô để khâu nối nên không thể khâu tạo hình phục hồi lại thận hoàn toàn ngay lập tức.
Bằng kinh nghiệm và nỗ lực của ê kíp mổ, sau 30 phút, vết rách trên thận đã được khâu ghép thành công, giảm nguy cơ thận chảy máu và rò rỉ nước tiểu.
Ê kíp tiếp tục nội soi bàng quang – niệu quản để đặt ống JJ (ống dẫn lưu niệu quản) nhằm hạn chế các cục máu đông nhỏ sót lại trong thận làm tắc thận, đồng thời, tạo thêm đường thoát nước tiểu, ngăn nguy cơ nhiễm trùng.
Bác sĩ Hoàng cho biết với những trường hợp chấn thương thận nghiêm trọng như anh K., phẫu thuật khâu bảo tồn thận rất phức tạp. Thông thường, người bệnh cần chờ khoảng 3 tháng mới có thể tiến hành phẫu thuật bảo tồn. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật sớm, máu tụ và nước tiểu ứ đọng quanh thận không được dẫn lưu sẽ gây tăng nguy cơ nhiễm trùng và mô thận dập nát rời rạc, khó lành. Vì vậy, ê kíp quyết định phẫu thuật kịp thời cho người bệnh.
Một ngày sau cuộc mổ, anh K. có thể đi lại, tập phục hồi chức năng, ăn uống bình thường, không còn dấu hiệu nhiễm trùng, chỉ số HgB duy trì ổn định ở mức 11,4 g/dL (tương đương người bình thường).
Nhìn chung, chấn thương thận không thường gặp, chiếm 1%-5% trường hợp chấn thương, nhưng có đến 80%-90% trường hợp do chấn thương bụng kín. Tại Việt Nam, nguyên nhân gây chấn thương thận thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn khi sinh hoạt, chấn thương thể thao…
Hiệp hội Phẫu thuật Chấn thương Hoa Kỳ (AAST) phân loại chấn thương thận được chia thành 5 cấp độ, tùy theo mức độ tổn thương thận và các mạch máu thận. Chấn thương độ 1 và 2 được xếp loại nhẹ; chấn thương độ 3, 4 và 5 là chấn thương nặng.
Khi gặp chấn thương thận, người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như đau tức, bầm tím vùng hông lưng; chướng bụng; buồn nôn; đi tiểu ra máu (có thể tiểu máu đại thể hoặc tiểu máu vi thể); sờ cảm nhận được khối máu tụ xung quanh thận. Ngoài ra, người bệnh có thể bị choáng, lơ mơ do mất nhiều máu.
Với những chấn thương thận nhẹ, có thể chỉ cần can thiệp cầm máu bằng phương pháp nút mạch thận. Nhưng với những chấn thương nặng, ngoài nút mạch, người bệnh cần được phẫu thuật cầm máu và phục hồi cấu trúc thận.
Nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị sớm, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng do rò rỉ nước tiểu, nhiễm trùng khối máu tụ, mất nhiều máu. Người bệnh cũng có thể gặp một số biến chứng xuất hiện muộn như tăng huyết áp, ứ nước thận, viêm thận… đe dọa sức khỏe và tính mạng.
Do đó, bác sĩ Lý Minh Hoàng khuyến cáo người từng gặp tai nạn giao thông, bị va đập mạnh vùng hông lưng cần sớm đến bệnh viện khám, theo dõi sức khỏe để sớm phát hiện những chấn thương thận, nhất là những chấn thương diễn tiến chậm, để kịp thời điều trị phù hợp, tránh để lâu nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…