Amidan sưng to, phát hiện ung thư hạch giai đoạn 3
Amidan bà V. sưng to, nói khó, nuốt đau, không ăn uống được, nôn ói, bụng chướng… khám tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM phát hiện ung thư.
Bà C.T.V. (72 tuổi, Tây Ninh) bị đau họng 1 tháng không khỏi. Amidan bên phải sưng to cỡ trái tắc khiến bà nuốt đau, nói khó, uống thuốc nhưng không cải thiện. Nhiều ngày liền, bà không ăn uống được, vừa ăn vào đã nôn ói ra; bụng chướng, căng tức.
Kết quả chụp CT – scan tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM ghi nhận vùng cổ hai bên của bà V. có nhiều hạch kích thước 34x21mm. Vùng bụng có nhiều khối u, khối lớn nhất kích thước 8x13cm dính vào tá tràng gây tắc tá tràng, ứ dịch dạ dày, dính phần đầu tụy, bao quanh bó mạch chủ bụng. Đây là nguyên nhân khiến bà V. bị các triệu chứng kể trên.
Bác sĩ CKII Nguyễn Trần Anh Thư, khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho sinh thiết khối u ở amidan xét nghiệm giải phẫu bệnh, kết quả u lympho không Hodgkin, giai đoạn III vì tổn thương ở nhiều vị trí: hạch cổ, hạch nách, hạch ổ bụng, amidan phải.
Sau khi làm các xét nghiệm đánh giá, bà V. được truyền hóa chất để giảm kích thước hạch. Bà V. đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Sau toa thuốc đầu tiên, khối hạch trong bụng nhỏ lại, không còn chèn ép các cơ quan xung quanh; amidan bên phải cũng trở lại kích thước như bình thường. Bà V. ăn uống được, hết nuốt đau, không nôn ói, bụng không còn căng tức. Bác sĩ Anh Thư cho biết, bệnh nhân cần điều trị thêm 5 đợt hóa chất để hoàn tất liệu trình, giúp giảm kích thước hạch và ngăn ung thư hạch tái phát.
Điều trị khỏi ở giai đoạn sớm
Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) là sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào lympho (thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh khác). Bệnh có thể xảy ra mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp ở nam giới từ 50 tuổi trở lên.
Ung thư hạch bạch huyết gồm 2 loại chính là lymphoma không Hodgkin (chiếm khoảng 90%) và lymphoma Hodgkin. Lymphoma không Hodgkin có tiên lượng xấu và điều trị khó khăn hơn so với Lymphoma Hodgkin. Dù vậy, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt cả khi mắc bệnh ở giai đoạn III, IV, như trường hợp của bà V.
Tiên lượng tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân lymphoma không hodgkin phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định như giai đoạn, loại ung thư, tuổi tác, khả năng đáp ứng điều trị,… Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế và Chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng (SEER) của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2023, tiên lượng sống của người bệnh u lympho không hodgkin là 90% ở giai đoạn 1; 78% – 90% ở giai đoạn II; 50% – 78% ở giai đoạn III và 40% – 50% ở giai đoạn IV.
Theo thống kê tại Việt Nam năm 2022, Lymphoma không Hodgkin ghi nhận hơn 3.500 ca mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 2.200 người. Tỷ lệ tử vong cao do người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn trễ.
Bác sĩ Anh Thư cho biết, hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư hạch bạch huyết. Tuy nhiên, bệnh có một số yếu tố nguy cơ như suy giảm hệ miễn dịch do di truyền, dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV, tiếp xúc hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu…). Mắc các bệnh viêm gan B, viêm gan C, Epstein-Barr, herpesvirus 8, Helicobacter pylori… cũng là nguy cơ của bệnh này.
Đối với lymphoma không hodgkin, phương pháp phẫu thuật thường không được sử dụng. Khi nghi ngờ hạch ung thư, bác sĩ chỉ định sinh thiết trọn hạch xác định loại giải phẫu bệnh, và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh (CT scan, MRI, sinh thiết tuỷ hoặc PET CT) để chẩn đoán giai đoạn bệnh. Sau đó bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp: hóa trị phối hợp thuốc sinh học (Rituximab), xạ trị, ghép tế bào gốc. Tùy tình trạng sức khỏe, mức độ tiến triển bệnh, bác sĩ có thể lên phác đồ điều trị kết hợp giữa hóa trị, xạ trị… để tăng hiệu quả.
Bác sĩ Anh Thư chia sẻ các hạch bạch huyết có thể xuất hiện riêng lẻ, sau đó dính lại với nhau tạo thành chùm, thường không đau. Lâu dài, hạch tăng kích thước, chèn ép cơ quan lân cận. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khó thở, phù mặt (nếu hạch chèn ép tĩnh mạch chủ trên), vàng da (hạch chèn ép đường mật ngoài gan), ứ nước thận (hạch chèn ép niệu quản), nôn mửa và táo bón (tắc ruột), tràn dịch màng phổi, phù chi dưới… Cùng với các biểu hiện trên, bệnh nhân còn bị mệt mỏi, sốt kéo dài, đổ mồ hôi đêm, giảm cân nhanh không rõ lý do.
Người dân nên thường xuyên kiểm tra các hạch ở vùng cổ, nách, bẹn… Trường hợp hạch không hết sưng sau khi hết sốt, ho, đau họng, nên khám bác sĩ để được kiểm tra, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Với hạch trong ổ bụng, thường khó phát hiện, người dân nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư thường xuyên.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…