TP.HCM nắng mưa liên tục, nhiều người viêm thanh quản
TP.HCM và các tỉnh khu vực miền Nam đang trải qua nhiều ngày nắng mưa liên tục và đón đợt khí lạnh Đông Bắc làm nhiệt độ thấp hơn. Thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Tấn Phát, Trưởng đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết nhiệt độ chuyển cao thấp đột ngột kèm theo ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về Tai Mũi Họng, trong đó có viêm thanh quản. Trong 1 tuần gần đây, 8 phòng khám của Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 và BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân bị viêm thanh quản, tăng 29% so với tuần trước. Người bệnh có tình trạng đau họng khi hát, nói to và khàn tiếng, việc này gây khó khăn trong giao tiếp và ảnh hưởng đến công việc.
Theo bác sĩ Phát, thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột, không khí khô hanh, hệ hô hấp bị khô tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công dễ dàng hơn, tăng nguy cơ viêm thanh quản. Ngoài ra, viêm thanh quản còn có nguyên nhân từ viêm mũi. Mũi là cơ quan cửa ngõ đón không khí vào cơ thể. Khi thời tiết lạnh, hanh khô, ô nhiễm tác động trực tiếp vào niêm mạc mũi gây viêm. Dịch từ mũi chảy xuống họng kích thích gây viêm thanh quản và viêm họng. Ngoài ra, khi dịch mũi chảy xuống họng gây ngứa, người bệnh ho nhiều làm tình trạng viêm thanh quản nặng hơn, xuất hiện triệu chứng khàn tiếng, đau khi nói to hoặc hát. Khàn tiếng khiến người bệnh cố gắng nói to hơn, việc này lại làm tình trạng viêm thanh quản diễn tiến nặng.
Trường hợp của chị N.T.P. (43 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) kinh doanh ở chợ nhiều năm nay. Sau nhiều ngày mắc mưa, chị P. cảm thấy đau ở cổ, nói khàn. Do khàn tiếng nên mỗi lần chị P. nói khách hàng không nghe rõ, chị P. lại càng cố gắng nói to hơn, do đó cổ họng chị đau nhiều hơn. Chị P. ngậm nước muối tự pha và các loại kẹo giảm đau họng nhưng không đỡ. Đến khi người mệt, sốt, chị P. mới tới Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.
Bác sĩ Phát nội soi kiểm tra mũi, họng chị P., thấy hai dây thanh sung huyết đỏ, phù nề, nhiều tiết dịch trên bề mặt dây thanh, kèm theo đó niêm mạc mũi xung huyết, xuất tiết nhầy, niêm mạc họng đỏ rực, xuất tiết… Đây là các triệu chứng điển hình của bệnh viêm dây thanh quản quản cấp tính. Viêm nhiễm có thể lan nhanh từ mũi họng xuống thanh quản hoặc ngược lại.
Trường hợp khác là anh H.V.B. (45 tuổi, Đồng Nai) làm quản lý tại Đồng Nai. Gần đây, cổ họng anh bị đau, mỗi khi nói to hay hát sẽ càng đau hơn. Anh B. ngậm nước muối và uống nước ấm nhưng họng vẫn đau rát, ngứa họng, ho nhiều, khàn tiếng… Anh tới Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 và được nội soi mũi và họng và ghi nhận viêm thanh quản, tiết nhiều dịch nhầy, viêm vòm họng. Anh B. chia sẻ: “Mỗi năm, vào mùa mưa, trời trở lạnh thì tôi lại bị đau họng và khàn tiếng. Cả ngày nói chuyện lí nhí khó chịu lắm, vì nói to là đau”.
Cả chị P. và anh B. đều phải kiêng nói to, hát, hạn chế nói nhiều từ 5 – 7 ngày, đồng thời điều trị bằng thuốc uống kháng viêm, xịt mũi, vệ sinh họng… Quay lại tái khám sau 1 tuần điều trị, chị P. và anh B. hết hẳn tình trạng đau khi nói to, hết sốt, nghẹt mũi. Bác sĩ Phát hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh mũi và vòm họng trong mùa mưa lạnh để tránh bệnh tái phát.
Bác sĩ Phát cho biết có nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản; trong đó tác nhân gây bệnh thường gặp do virus (influenzae (cúm), APC…); vi khuẩn (S.pneumoniae (phế cầu), Hemophilus influenzae); trực khuẩn bạch hầu (ít gặp). Điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do thời tiết lạnh, viêm thanh quản sau một thời gian viêm đường hô hấp (bệnh mũi xoang, bệnh phổi, bệnh họng amidan, VA ở trẻ em); bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi; sử dụng giọng gắng sức (nói nhiều, hét, hát to…); bị sặc các chất kích thích (bia, rượu…); trào ngược họng, thanh quản; dị ứng…
Trong đó, viêm thanh quản do thời tiết lạnh, hay do lây từ viêm mũi và viêm họng thường gặp hơn. Bác sĩ Phát cho biết số lượng người bệnh bị viêm thanh quản trong thời điểm giao mùa chủ yếu gặp ở người lớn. Trẻ em bị viêm thanh quản thường do các bé vui chơi la hét nhiều.
Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, viêm thanh quản sẽ có triệu chứng khác nhau. Người dân có thể nhận biết viêm thanh quản qua các triệu chứng sau: đau họng, khàn tiếng, ho khan, có thể ho có đờm nhầy, ớn lạnh, sốt, mệt mỏi, ở trẻ em có thể khóc khàn và khó thở.
Tình trạng viêm thanh quản nếu không điều trị sớm sẽ tiến triển từ thể phù nề đến loét, viêm tấy, hoại tử. Người bệnh sẽ có các triệu chứng nặng hơn như khó thở, nuốt đau, sốt cao… Ở những người mắc bệnh tiểu đường, đường huyết cao, sức đề kháng yếu hơn, điều trị không kịp thời có thể xuất hiện các triệu chứng nặng như: mạch nhanh yếu, thở nhanh nông, huyết áp thấp, nước tiểu có albumin, áp xe vùng hầu họng, tử vong do phế quản viêm trụy tim mạch.
Bác sĩ Phát cho biết, bệnh viêm thanh quản thường tự khỏi sau 1 tuần khi tăng cường sức đề kháng. Một số trường hợp bị viêm kéo dài do vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc. Điều trị viêm thanh quản không có khó thở: quan trọng nhất là kiêng nói, tránh lạnh, điều trị thuốc kháng sinh, giảm viêm, chống dị ứng, giảm ho… đồng thời nâng cao sức đề kháng bằng bổ sung dinh dưỡng, điện giải. Trường hợp viêm thanh quản đã có khó thở cần nhập viện điều trị nội khoa, mở khí quản cấp cứu, hoặc kết hợp hồi sức tích cực nếu khó thở mức độ nặng.
Trong thời tiết chuyển lạnh, người dân nên giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, vệ sinh sạch mũi và họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, mang khẩu trang khi đến nơi đông người để phòng mắc bệnh viêm thanh quản. Ngoài ra, việc nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và vi rút gây bệnh bằng cách: tập thể dục thường xuyên, bổ sung đủ dinh dưỡng, vitamin C…
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…