Thế hệ con một và áp lực chữa vô sinh
Anh Tiến, 25 tuổi, là con một, bốn năm trước phát hiện không có tinh trùng, vô sinh do biến chứng sau mắc quai bị, từ đó hành trình điều trị chồng chất áp lực vô hình.
“Ông bà nội thường xuyên chỉ trích mẹ tôi vì chỉ sinh một con, đứt đoạn hương hỏa. Cha mẹ tôi cũng nhiều lần cãi vã”, anh Tiến (TP.HCM) kể. Anh cho biết luôn cảm thấy có lỗi vì cho rằng bệnh tình của bản thân là nguồn cơn khiến gia đình không hòa thuận, dù vô sinh là vấn đề không may, chính anh không hề mong muốn.
Trách nhiệm có con nối dõi dòng tộc đè nặng, anh Tiến thường xuyên uống nhiều thuốc đông y, ăn thực phẩm bổ sinh lý nam, đi khám, thậm chí đi chùa để “cầu con”. Năm ngoái anh đi khám, hai lần thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng, được chỉ định xin tinh trùng hiến tặng để có con.
“Ông bà, cha mẹ tôi sốc nặng, họ tuyệt đối không muốn xin tinh trùng từ người khác, vẫn nuôi hy vọng có người nối dõi. Không có con tôi không biết đối diện với gia đình ra sao”, anh Tiến nói với ThS.BS Lê Đăng Khoa – Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 TP.HCM (IVF Tâm Anh Quận 8 TP.HCM) vào đầu tháng 10/2024.
Anh Long (24 tuổi, ngụ Tây Ninh) cũng là con một. Sau tai nạn lao động vào ba năm trước, anh Long được chẩn đoán vô sinh, không có tinh trùng bởi chấn thương vùng kín. Cảm giác tội lỗi bao trùm bởi suy nghĩ “đàn ông bất lực”, không thể cho cha mẹ một đứa cháu, anh dần đổi tính, trở nên trầm lặng, mặc cảm, từng có ý định kết thúc cuộc đời.
Một năm trước vợ chồng anh Long quyết định rời quê để chuyển hẳn lên TP.HCM sinh sống, dần cân bằng lại tinh thần. Giữa tháng 10, vợ chồng anh đồng hành đến IVF Tâm Anh Quận 8 TP.HCM để “tìm con”.
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp nam giới trẻ tuổi đến khám và điều trị vô sinh hiếm muộn tại IVF Tâm Anh Quận 8 TP.HCM trong thời gian qua. Các nguyên nhân hiếm muộn nam thường gặp bao gồm không có tinh trùng do biến chứng teo tinh hoàn sau mắc quai bị, chấn thương vùng kín, đột biến di truyền, các vấn đề về nam khoa như dương vật cong khó quan hệ giảm tỷ lệ thụ tinh, viêm nhiễm cơ quan sinh dục, bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh… Đặc biệt, nhiều trường hợp nam giới vô sinh còn mang gánh nặng tâm lý bởi là con một, độc đinh.
Những năm gần đây, TP.HCM báo động về tình trạng phụ nữ sinh ít con. Năm 2024, TP.HCM thống kê tỷ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với cả nước. Với mức sinh này, nghĩa là rất nhiều gia đình tại TP.HCM chỉ sinh một con, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM, do nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, áp lực nuôi dạy con cái, có nhiều điều kiện hơn để tập trung cho sự nghiệp…
>> Xem thêm: 3 phòng khám hiếm muộn ở TPHCM tốt, uy tín và chuyên môn cao
Về số liệu vô sinh hiếm muộn, thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 7.7% vợ chồng (tương đương 1 triệu cặp vợ chồng) gặp phải tình trạng này. Theo bác sĩ Khoa, những trường hợp con một thường kèm theo sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình về sự thành đạt, gánh nặng phụng dưỡng cha mẹ, đồng thời chịu nhiều áp lực trong việc kết hôn và sinh con nối dõi tông đường. Giống như Tiến và Long, họ thường kết hôn sớm, chịu áp lực sinh con sớm. Đây cũng chính là thách thức của thế hệ con một trong xã hội hiện đại.
Việt Nam đang đối mặt với thách thức mức sinh ngày càng thấp, trong khi tỷ lệ vô sinh lại ở mức cao. Nguyên nhân do nhiều yếu tố như lối sống, tình trạng lập gia đình muộn, có con muộn, tỷ lệ phá thai cao, viêm nhiễm đường sinh dục, sử dụng dụng cụ tránh thai, hạn chế về chăm sóc sức khỏe sinh sản và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
“May mắn của thế hệ con một là áp lực sinh con sớm khiến họ sớm phát hiện tình trạng hiếm muộn. Điều trị càng sớm, tỷ lệ có con chính chủ khỏe mạnh càng cao”, bác sĩ Khoa thông tin thêm.
Tuy nhiên, người trẻ điều trị vô sinh ngoài gánh nặng về chi phí điều trị còn thêm gánh nặng tâm lý, tinh thần. Với những trường hợp là con một, áp lực tâm lý nhiều và căng thẳng hơn, bởi mối quan tâm của tất cả người thân dồn về một cá nhân , nhất là những gia đình còn nặng quan niệm truyền thống, nối dõi tông đường, duy trì hương hỏa.
Bác sĩ Khoa giải thích thêm, những áp lực tâm lý quá lớn có thể khiến người bệnh mệt mỏi, lo lắng, dễ chán nản, khiến tỷ lệ thành công suy giảm, thậm chí dẫn đến tình trạng bỏ điều trị. Do đó, trong quá trình điều trị, các bác sĩ không chỉ khám toàn diện, chẩn đoán chính xác nguyên nhân, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất mà còn chú trọng tư vấn giải tỏa tâm lý cho người bệnh.
Không hề vô vọng
Gần 30 phút trò chuyện với bác sĩ Khoa, trạng thái tâm lý của anh Tiến trở nên nhẹ nhõm hơn, anh không còn cảm giác tự trách bởi vô sinh và an tâm bước vào hành trình điều trị. Bác sĩ Khoa cho biết xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng, tuy nhiên đây không phải là căn cứ duy nhất để đi đến chỉ định xin tinh trùng hiến tặng. Người bệnh cần được khám toàn diện hơn về tinh hoàn, các chỉ số nội tiết, di truyền khi cần thiết để không bỏ sót bất kỳ cơ hội điều trị quý giá nào.
Hai bên tinh hoàn của anh Tiến teo nhỏ, thể tích chỉ 1/5 so với bình thường nhưng các chỉ số nội tiết tố, kết quả phân tích di truyền và siêu âm bìu khả quan, cho thấy khả năng tìm thấy tinh trùng được làm cha chính chủ còn nhiều khả quan.
Anh Tiến được bác sĩ Khoa cùng ê kíp thực hiện kỹ thuật micro-TESE (vi phẫu tích mô tinh hoàn tìm tinh trùng). 8 mẫu ống sinh tinh được chọn lựa chuyển đến phòng labo ngay sát vách phòng phẫu thuật, chuyên viên phôi học thận trọng xé mô tìm kiếm được 15 tinh binh đủ điều kiện để thụ tinh ống nghiệm cùng noãn (trứng) của người vợ.
Phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ nuôi cấy trang bị camera quan sát liên tục tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) tối ưu mọi điều kiện giúp thu được 5 phôi ngày 5 chất lượng tốt. Chị Thúy (22 tuổi, vợ anh Tiến) được bác sĩ xây dựng phác đồ chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện, dự kiến chuyển phôi đầu tiên vào cuối tháng 10.
“Tôi tin mình sẽ được làm cha”, anh Tiến cho biết sau khi được bác sĩ giải tỏa tâm lý, không còn chịu ảnh hưởng nặng của gia đình về sinh con nối dõi, chỉ mong có con. Anh cũng làm công tác tâm lý với cha mẹ và ông bà không nặng nề tư tưởng con gái hay trai để nuôi dạy con được tốt nhất.
Còn anh Long được chẩn đoán vô sinh do tắc nghẽn ống dẫn tinh sau chấn thương, được bác sĩ Khoa và Th.BS.CKII Dương Quang Huy – Trưởng Đơn vị Nam học, IVF Tâm Anh thực hiện phẫu thuật nối ống dẫn tinh thành công. Sau hai tuần phẫu thuật, kết quả tinh dịch đồ của anh Long đã ghi nhận khoảng 1 triệu tinh binh.
Anh Long được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp, duy trì quan hệ vợ chồng giúp tiếp tục cải thiện số lượng và chất lượng tinh binh, tăng cơ hội có con tự nhiên. Trường hợp thả một thời gian không có thai, người vợ nên đến khám toàn diện sức khỏe sinh sản, nếu có bất thường ở hệ thống cơ quan sinh sản có thể thực hiện IVF giúp sớm có con, giảm khó khăn và chi phí điều trị.
“Với xu hướng sinh ít con như hiện nay, trong tương lai có thể sẽ có ‘thế hệ con một’, tức là mỗi gia đình chỉ có một con“, PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nói, nhấn mạnh người “con một” không chỉ cô đơn và vất vả khi chăm sóc cha mẹ già, mà còn gánh vác trách nhiệm sinh con nối dõi.
“Nếu không may họ bị vô sinh, gánh nặng tâm lý, cảm giác tội lỗi càng lớn”, bác sĩ Lê Hoàng nói, khuyên nam giới vô sinh không bi quan, nên khám và tiến hành các xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị phù hợp và có phương án hỗ trợ sinh sản nếu cần.
Ở góc độ xã hội, PGS.TS.BS Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhìn nhận một thực tế rằng phụ nữ ngày càng có xu hướng sinh ít con, nhất là tại các thành phố lớn. Nguyên nhân do chi phí sinh hoạt, giáo dục cho đứa trẻ tại thành phố quá đắt đỏ, cuộc cạnh tranh khi học trường tốt và các kỳ thi. Bên cạnh đó, phụ nữ ngày càng đảm nhận quá nhiều trọng trách, áp lực kinh tế, cuộc sống, công việc…
Với xu hướng sinh ít con như hiện nay, trong tương lai có thể sẽ có “thế hệ con một”. Những đứa trẻ từng được bao bọc bởi cả gia đình nội ngoại, khi lớn lên không chỉ mang vác trách nhiệm lớn với tất cả người thân, cô đơn và gánh nặng khi cha mẹ già ốm đau, thiếu hụt nguồn lao động. Đặc biệt, nếu cá nhân “con một” không may gặp tình trạng vô sinh, còn phải đối mặt thêm gánh nặng tâm lý, cảm giác tội lỗi vì khó khăn trong duy trì nòi giống và áp lực điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo vợ chồng sau kết hôn một năm chưa có thai (6 tháng với trường hợp người vợ ngoài 35 tuổi) nên đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản uy tín để khám và điều trị sớm giúp tăng tỷ lệ thành công, giảm chi phí. Những trường hợp nam giới xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng không nên quá bi quan, nên được khám thêm về mặt lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh, tránh bỏ sót điều trị.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…