Nhiều người trẻ viêm sụn vành tai do xỏ khuyên tai
Mỗi tháng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận khoảng 30 ca viêm sụn vành tai do xỏ khuyên tai sai vị trí.
Xỏ khuyên tai ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài các vị trí quen thuộc như dái tai (phần vành tai không có sụn), nhiều người trẻ có sở thích bấm khuyên ở các vị trí khác trên vành tai để thể hiện cá tính riêng, trong đó có xỏ xuyên sụn vành tai. Hiện Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận khoảng 30 trường hợp viêm sụn vành tai. Phụ nữ trẻ tuổi, thanh thiếu niên chiếm đa số vì nhóm đối tượng này thường xỏ khuyên tai nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
BSNT.CKI Nguyễn Tri Minh Trí, Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết viêm sụn vành tai là tình trạng nhiễm trùng sụn và màng sụn vành tai. Bấm lỗ tai xuyên sụn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay.
Theo bác sĩ Trí, vị trí thường gặp của viêm sụn vành tai phụ thuộc vào vị trí xỏ xuyên, nhất là phần 2/3 trên của vành tai thường xuyên bị ảnh hưởng do xu hướng bấm khuyên ở phần vành tai này của giới trẻ để làm đẹp. Lỗ xỏ khuyên phá vỡ hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào màng sụn và sụn vành tai. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus, trong đó Pseudomonas aeruginosa có nguy cơ gây áp xe (túi mủ hình thành khi bị nhiễm trùng) cao hơn. Phần lớn các lỗ xỏ khuyên được thực hiện bởi thợ kim hoàn, thợ làm tóc hoặc thợ xăm hình… có thể quá trình thực hiện thủ thuật không đảm bảo điều kiện vô khuẩn phù hợp.
Như chị L.A.T. (20 tuổi, Kiên Giang), sinh viên đại học, xỏ khuyên xuyên sụn vành tai tại một cơ sở spa ở TP.HCM. Sau 3 ngày, vành tai sưng phồng, lỗ bấm bị rò mủ xanh đục. Chị tự mua thuốc nhưng vành tai ngày càng sưng. Chị T. đến Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám thì được chẩn đoán viêm sụn vành tai, được chỉ định nhập viện.
Bác sĩ Trí lấy mủ nuôi cấy, rạch rộng vết thương, lấy sụn hoại tử, dẫn lưu mủ và làm sạch vết thương. Chị T. được truyền kháng sinh, thay băng mỗi ngày trong 5 ngày và uống tiếp kháng sinh trong 7 ngày. Kết quả nuôi cấy có sự hiện diện của Pseudomonas aeruginosa. Do phần vành tai bị ảnh hưởng có diện tích lớn và bắt buộc phải lấy sạch sụn hoại tử nên sau điều trị vành tai co rút nhiều, giảm kích thước và không cân đối với bên còn lại.
Trường hợp khác, anh L.T.H. (17 tuổi, TP.HCM) xỏ khuyên xuyên sụn trên gờ luân (nếp ngoài của vành tai). Do bấm lỗ nhỏ nên anh không uống thuốc, trong những ngày đầu không có dấu hiệu viêm, sau đó anh đi tắm biển và ăn hải sản. Kết quả lỗ bấm bị sưng và chảy mủ xanh. Qua khám lâm sàng, anh được chẩn đoán viêm sụn vành tai, phải tháo khuyên, làm sạch tại chỗ, vệ sinh vết thương mỗi ngày và uống kháng sinh trong 7 ngày. Sau đó, vết thương hồi phục tốt, chỉ có sẹo co rút (loại sẹo khiến da bị căng, co rút lại) vùng lỗ xỏ khuyên.
Bác sĩ Trí giải thích, việc xỏ khuyên gây thủng da – hàng rào bảo vệ – tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập. Quá trình nhiễm trùng vừa gây huỷ sụn vừa gây gián đoạn quá trình nuôi dưỡng sụn do tích tụ dịch trong khoang giữa lớp màng sụn và sụn vành tai. Mô sụn bị hoại tử bắt buộc phải được nạo vét. Trong các trường hợp nặng, việc lấy nhiều sụn hoại tử gây sẹo xấu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của vành tai và tổng thể chung của khuôn mặt.
Phương pháp điều trị chính của viêm sụn vành tai sau xỏ khuyên xuyên sụn hoặc viêm sụn sau chấn thương vành tai là rạch dẫn lưu mủ, nạo vét sụn hoại tử nếu có và sử dụng kháng sinh. Một số trường hợp tổn thương nhỏ, chưa huỷ sụn, có thể được điều trị nội khoa. Nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp, viêm sụn vành tai có thể để lại các biến dạng trên vành tai. Từ đó ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng việc điều trị và phục hồi hình dạng vành tai ban đầu rất khó khăn.
Bác sĩ Trí khuyến cáo, để phòng ngừa viêm sụn vành tai, nên hạn chế các trường hợp bấm khuyên phức tạp, nhiều lỗ khuyên xuyên sụn vành tai. Chỉ nên bấm khuyên tai ở những cơ sở y tế hoặc cơ sở thẩm mỹ được cấp phép và đảm bảo dụng cụ thủ thuật vô trùng. Ngoài ra, khi xuất hiện các dấu hiệu của viêm sụn vành tai sau xỏ khuyên hoặc sau các chấn thương trên vành tai, người bệnh nên đến khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín và không nên tự điều trị tại nhà.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế