Gia tăng bệnh viêm đường hô hấp trên mùa mưa
Một tuần qua, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Quận 7 tiếp nhận gần 1000 người bệnh viêm đường hô hấp trên, tăng 30% so với hai tuần trước đó.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM; Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết thông tin trên; thêm rằng, vì số người bệnh đến khám tăng cao, Trung tâm Tai Mũi Họng đã mở rộng thêm phòng khám đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người bệnh.
Những hàng ghế trước các phòng khám Tai Mũi Họng kín người bệnh. “Có đến khoảng 20% người bệnh đến khám trong tình trạng sốt, đau họng, sổ mũi, ho”, bác sĩ Hằng nói. Phòng rửa mũi xoang và phun khí dung của Trung tâm Tai Mũi Họng cũng tăng 20% số lượng người bệnh. Liên tục người bệnh được các điều dưỡng tại phòng này rửa mũi xoang để làm sạch dịch nhầy trong mũi xoang và được phun khí dung để tăng hiệu quả điều trị.
Mùa mưa kéo dài tại TP.HCM làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, và cảm cúm. Sự thay đổi thời tiết liên tục, độ ẩm cao và sự phát tán mạnh của vi khuẩn, virus trong không khí chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Bác sĩ Hằng giải thích, đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ xâm nhập khi hít thở. Nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày, cơ thể cần thời gian để thích nghi. Trong quá trình này, hệ miễn dịch có thể bị suy yếu làm cho cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và virus. Môi trường ẩm ướt lại là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển. Chính vì vậy, giai đoạn giao mùa, mùa mưa, các bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang,… bùng phát và tăng cao. Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản – những bộ phận có chức năng hít không khí từ bên ngoài cơ thể, làm ấm, làm ẩm và lọc khí trước khi đưa vào phổi.
Ngoài ra, không gian sống, làm việc trong thời tiết mưa, ẩm không thông thoáng càng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, ở những không gian kín như văn phòng, trường học, bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Mầm bệnh rất dễ lây lan qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện gần; hoặc nếu chạm vào bề mặt có vi khuẩn, virus rồi chạm vào mắt, mũi, miệng cũng dễ nhiễm bệnh.
Đơn cử như chị M.T.K. (38 tuổi, quận Phú Nhuận) sốt, đau họng, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khàn tiếng, ho khan… sau một buổi tối đi làm về mắc mưa. Hai đồng nghiệp ngồi cạnh chị cũng bị sốt, viêm họng.
Hôm sau, chị sốt li bì, đau họng nhiều hơn, cảm thấy nuốt vướng, khàn tiếng nặng. Chị uống thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau họng nhưng sau 5 ngày, các triệu chứng không giảm, chị đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.
Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy niêm mạc mũi họng chị K. sưng, đỏ, sung huyết, nhiều dịch nhầy trong mũi. Chị K. được bác sĩ chẩn đoán viêm mũi họng, kê đơn thuốc điều trị nội khoa và được điều dưỡng rửa mũi xoang để làm sạch dịch nhầy, thông thoáng hốc mũi xoang, làm dịu các tổn thương, sưng viêm ở niêm mạc mũi, giúp quá trình phục hồi nhanh hơn.
“Viêm họng là bệnh không nguy hiểm, tuy nhiên nếu chủ quan, để bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như áp xe họng, viêm thanh quản, viêm hạch bạch huyết,..”, bác sĩ Hằng nói.
Hay như bé P.H.T. (4 tuổi, quận Thủ Đức) sốt, ho, chảy nước mũi, đau họng, bỏ ăn, khò khè. Sau 2 ngày được ba mẹ dùng khăn ấm lau chườm ở cổ, trán, nách để hạ sốt và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý nhưng các triệu chứng không cải thiện nên bé T. được ba mẹ đưa đến khám tại Trung tâm Tai Mũi Họng.
Được sự động viên của bác sĩ, điều dưỡng, ba mẹ, bé T. hợp tác tốt khi nội soi tai mũi họng. Kết quả nội soi tai mũi họng ghi nhận niêm mạc mũi họng trẻ sưng đỏ, dịch nhầy tích tụ trong mũi, tai khiến trẻ nghẹt mũi, khó thở, khó chịu ở tai. Bác sĩ chẩn đoán bé T. viêm đường hô hấp trên, kê đơn thuốc và hướng dẫn ba mẹ cách chăm sóc bé.
Bác sĩ Hằng cho biết, ở trẻ, cấu trúc vòi nhĩ ngắn hơn, rộng hơn và nằm ngang hơn so với người trưởng thành. Do đó, chất lỏng từ cổ họng, mũi có chứa vi khuẩn dễ dàng đi qua vòi nhĩ, bị tắc nghẽn, sưng viêm khiến trẻ viêm mũi họng dễ bị viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị viêm đường hô hấp trên nếu được phát hiện và điều trị bệnh sớm, trẻ sẽ khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản… Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận…
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết, hệ miễn dịch của trẻ em và người cao tuổi thường yếu hơn, không đủ khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus trong mùa mưa nên dễ mắc bệnh hơn.
Ngoài ra, người có tiền sử bệnh hô hấp mạn tính, từng bị viêm xoang, viêm phế quản sẽ nhạy cảm hơn với các tác động từ môi trường, đặc biệt trong thời tiết ẩm ướt của mùa mưa cũng dễ mắc bệnh hơn.
Bà T.T.D. (45 tuổi, quận 7) đến khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 trong tình trạng sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau răng, chảy dịch nhầy xuống cổ họng, ho, nghẹt mũi. Sau khi khám, khai thác bệnh sử, nội soi tai mũi họng, bác sĩ Phát chẩn đoán bà D. viêm xoang mạn tính, kê đơn thuốc điều trị. Các khe mũi bà D. đọng nhiều dịch mủ đục nên được hút mủ dịch trong xoang để thông thoáng.
Bác sĩ Phát giải thích, không khí lạnh, độ ẩm cao, nhiều vi khuẩn, virus sinh sôi tác động đến niêm mạc mũi gây tổn thương, viêm, phù nề dẫn đến tắc lỗ thông mũi xoang. Mưa lạnh kích hoạt tình trạng viêm xoang dị ứng, làm cho tình trạng viêm xoang trở nặng hơn. Ngoài ra, những thay đổi về áp suất không khí và phấn hoa sau mưa cũng có thể ảnh hưởng đến chứng đau do viêm xoang.
“Khi tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng vào mùa mưa, người bệnh cần đến bác sĩ khám và chữa trị kịp thời; tránh dùng toa thuốc cũ, hoặc toa thuốc của người khác vì có thể khiến bệnh nặng hơn, khó điều trị về sau”, bác sĩ Phát nói. Muốn trị viêm xoang hiệu quả, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ về liệu trình thuốc, không lạm dụng hoặc tự ý ngưng thuốc khi vừa thấy dứt triệu chứng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.
Mùa mưa đi kèm với nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu biết nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro mắc bệnh. “Nên giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng cổ, ngực, chân trong thời tiết mưa lạnh; hạn chế để cơ thể bị nhiễm nước mưa, nhanh chóng thay quần áo khô nếu bị ướt”, bác sĩ Phát lưu ý.
Để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên mùa mưa, bác sĩ Phát khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, bổ sung vitamin C từ thực phẩm như cam, chanh, bưởi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh hơn. Đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn để nâng cao hệ miễn dịch. Đảm bảo nhà cửa luôn thoáng mát, tránh ẩm mốc bằng cách mở cửa sổ, sử dụng máy hút ẩm nếu cần. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và đồ dùng cá nhân để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Tiêm phòng vaccine phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Bệnh lý viêm đường hô hấp có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, nếu không được điều trị đúng cách, sau đó có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu có các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…