Rung nhĩ mà không biết, người đàn ông đột quỵ, suy tim
Sau điều trị đột quỵ, ông Đạt, 63 tuổi, mệt mỏi, khó thở kéo dài, đi khám phát hiện suy tim do biến chứng bệnh rung nhĩ.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khẳng định, rung nhĩ là căn nguyên gây ra hàng loạt tình trạng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim… Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ, chỉ biết mình mắc bệnh sau khi nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý tim mạch khác.
Hai năm trước, ông Đạt (ngụ Ninh Thuận) bị tai biến mạch máu não (đột quỵ), sau điều trị để lại di chứng yếu nửa người trái, đi lại khó khăn. Hơn một năm sau ông thấy mệt nhiều, không thể leo quá một tầng cầu thang, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm. Ông nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng tình hình không cải thiện.
Ông chia sẻ: “Cuộc sống của tôi sau khi bị tai biến chỉ quanh quẩn trong nhà, nay thu hẹp lại còn một tầng lầu. Toàn thân rã rời, không thiết ăn uống, nằm nhiều nhưng không ngủ được, tôi chán nản nghĩ chẳng lẽ từ nay phải gắn bó với chiếc giường bệnh suốt đời”. Khi cảm thấy không thể chịu đựng thêm, ông đến bệnh viện Tâm Anh thăm khám.
Vượt chặng đường hơn 300 km, ông Đạt nhập viện trong trạng thái kiệt sức, cảm giác không thở nổi, vùng ngực như bị ép chặt. ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nghi ngờ ông mắc bệnh tim mạch, chỉ định các cận lâm sàng liên quan. Kết quả cho thấy ông suy tim nặng, giãn lớn hai tâm nhĩ và hở van hai lá.
Đặc biệt, điện tâm đồ ECG ghi nhận bệnh lý rung nhĩ mạn tính. “Rất có thể rung nhĩ là tình trạng bệnh tiềm ẩn, không được phát hiện và điều trị nên gây biến chứng đột quỵ, suy tim tiến triển cho ông Đạt”, bác sĩ Kiều nhận định.
Ở những bệnh nhân rung nhĩ, hai ngăn trên của tim (tâm nhĩ) co bóp rất nhanh và hỗn loạn. Điều này khiến máu bị ứ đọng trong tâm nhĩ, tạo điều kiện hình thành những cục máu đông trong tim. Cục máu đông có nguy cơ được tim bơm ra, di chuyển theo mạch máu đến não gây đột quỵ, đến mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc đến các cơ quan khác gây tắc mạch máu ngoại biên. Theo Phó giáo sư Vinh, bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5-7 lần so với những người khác.
Ngoài ra khi bị rung nhĩ, nhịp tim đập không đều, thường đập nhanh liên tục, lâu ngày làm tim co bóp kém, yếu đi và giảm hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ suy tim cũng như nặng thêm các bệnh lý tim mạch khác, thậm chí gây tử vong.
Ông Đạt được điều trị nội khoa bằng thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc chống đông để ngăn ngừa hình thành huyết khối trong tim và giảm nguy cơ tái đột quỵ. Vài ngày sau ông đỡ mệt nhiều, nhịp tim duy trì ở mức 80 lần/phút, có cảm giác thèm ăn trở lại, đi lại nhẹ nhàng dọc hành lang bệnh viện. Một tuần sau ông khỏe lên, triệu chứng suy tim cải thiện tốt, ăn uống ngon miệng và được xuất viện. Bác sĩ tư vấn cho ông chế độ ăn, hình thức vận động, cách sinh hoạt phù hợp, tái khám định kỳ để kiểm soát tốt bệnh, phòng biến chứng.
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Mặc dù tỷ lệ mắc rung nhĩ chỉ 1%, nhưng bệnh này được phát hiện ở khoảng 9% số người trên 75 tuổi. Ở độ tuổi 80, nguy cơ bị rung nhĩ tăng lên 22%. Số ca mắc bệnh ngày càng tăng trên toàn thế giới, dự kiến tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2050.
Nhiều người còn xa lạ với khái niệm “rung nhĩ”, không nghĩ bệnh có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như trường hợp ông Đạt, ông kể không biết đến bệnh này cho tới khi được chẩn đoán mắc rung nhĩ. Thậm chí lúc ông điều trị đột quỵ, bác sĩ cũng không xác định nguyên nhân là do rung nhĩ. Bệnh vì thế tiến triển âm thầm, trở thành mạn tính rồi khiến ông suy tim, khó thở đến kiệt sức. Ước tính cứ 3 người mắc rung nhĩ thì 1 người không biết mình mắc bệnh, Phó giáo sư Vinh cho biết.
Xây dựng lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời ngăn ngừa rung nhĩ. Nên đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu và caffeine, tránh căng thẳng kéo dài, kiểm soát tăng huyết áp, điều chỉnh mức cholesterol, ổn định lượng đường trong máu. Người lớn tuổi, người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh van tim, bệnh nhân đột quỵ… nên đi khám bác sĩ chuyên khoa loạn nhịp tim để được tư vấn và lên kế hoạch tầm soát, từ đó phát hiện sớm và điều trị rung nhĩ triệt để.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
An Hầu Đan Kids hỗ trợ cho trẻ bổ phế, giảm ho, long đờm (10 gói x 10ml) An Hầu Đan Kids nay đã ra mắt mẫu mới vẫn áp dụng chương trình tích điểm mua 6 tặng 1 như cũ ạ
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…