Nguy cơ suy giãn tĩnh mạch, loét chân do béo phì
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch, nếu không điều trị kịp thời và triệt để, ở giai đoạn nặng bệnh có thể tiến triển thành vết loét, hoại tử.
Người có chỉ số BMI (được tính bằng cân nặng chia cho bình phương của chiều cao) lớn hơn hoặc bằng 25 là béo phì. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2022, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người béo phì. Tại Việt Nam, tỷ lệ gia tăng béo phì hàng năm là 38%, cao hơn nhiều so với mức 10-20% của các nước Đông Nam Á.
>> Xem thêm cách tính BMI: Công cụ tính BMI
Một nghiên cứu đăng trên PubMed dựa trên gần 1.000 bệnh nhân bị bệnh lý tĩnh mạch, kết quả cho thấy người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh lý tĩnh mạch cao hơn và có nguy cơ tiến triển nặng nề hơn người có cân nặng bình thường. BS.CKII Nguyễn Thu Trang, Khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết người béo phì gặp tình trạng rối loạn phân bố mỡ, thường béo bụng, kèm theo trọng lượng cơ thể lớn làm tăng áp lực cho chi dưới đặc biệt là khi đứng, khiến máu tĩnh mạch trở về tim khó khăn hơn.
Khi áp lực trong lòng tĩnh mạch tăng lên và tổn thương các van tĩnh mạch, máu sẽ trào ngược xuống phía dưới gây ứ trệ, dần dần các tĩnh mạch giãn lớn, ngoằn ngoèo. Từ đó, gây ra các triệu chứng chân sưng phù, chuột rút, tê bì, giai đoạn tiến triển có thể loét, hoại tử, huyết khối.
Anh Phạm Thái (33 tuổi, Hà Nội) đến thăm khám tại BVĐK Tâm Anh trong tình trạng chân đau như bị kim châm, trên da xuất hiện các búi tĩnh mạch nổi rõ. Anh Thái là nhân viên văn phòng, 2 năm trước từng nặng 102kg và bắt đầu chạy bộ để giảm cân, đến nay đã giảm còn 93kg. Khoảng 1 năm trước anh Thái thấy chân hay nhức mỏi hơn, người bệnh chủ quan không đi khám, tình trạng bệnh ngày càng tiến triển nặng, nghỉ ngơi không đỡ, hiện tại gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Qua thăm khám lâm sàng và siêu âm Doppler mạch máu, bác sĩ Trang kết luận bệnh nhân Thái bị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn 3. Người bệnh có chỉ số BMI nằm trong ngưỡng béo phì, đây chính là yếu tố nguy cơ của bệnh.
Bệnh lý này không phải do việc chạy bộ gây ra mà đã tiến triển âm thầm từ trước đó với các triệu chứng ban đầu không rõ rệt, thường bị bỏ qua. Việc chạy bộ tần suất cao, 2-3 tiếng mỗi ngày của bệnh nhân để giảm cân vô tình gây áp lực lên hệ tĩnh mạch, thúc đẩy vấn đề suy giãn tĩnh mạch tiến triển nặng.
Bệnh nhân đã được kê thuốc điều trị nội khoa và đi tất áp lực, kết hợp với chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý. Anh Thái có thể tiếp tục chạy bộ nhưng nên duy trì khoảng 30 phút/ngày hoặc kết hợp chạy – đi bộ nhanh sau đó tăng dần cường độ để đảm bảo sự thích nghi của cơ thể và hệ tim mạch cũng như trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, nên tăng cường các môn thể thao khác tốt cho người bị suy giãn tĩnh mạch như bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, pilates… Sau khoảng 1 tháng, các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch của anh Thái đã thuyên giảm rõ rệt.
Một trường hợp khác là anh Bùi Đức Tâm (37 tuổi, Thái Nguyên), cao 1m80 và nặng 103kg, chỉ số BMI là 31,79. Người bệnh đã bị bệnh lý suy giãn tĩnh nhiều năm nhưng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lý tĩnh mạch đã ở giai đoạn 6, là giai đoạn nặng nhất, người bệnh có vết loét lớn ở cẳng chân sau bị vết thương hở nhưng điều trị không liền, thậm chí đã ghép da 2 lần nhưng đều thất bại, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây đau đớn, mất thẩm mỹ và chi phí điều trị tốn kém.
Đối với trường hợp bệnh nhân Tâm, tình trạng béo phì là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy giãn tĩnh mạch, cộng với yếu tố tiền đái tháo đường khiến việc điều trị vết loét khó khăn. Việc điều trị gồm 2 bước là can thiệp Laser nội mạch xử lý vấn đề suy giãn tĩnh mạch và ghép da điều trị vết loét. Bước đầu tiên, bác sĩ sử dụng ống thông có đầu phát tia laser đưa qua da vào lòng tĩnh mạch tới quai tĩnh mạch ở phần trên đùi.
Sau đó, bác sĩ gây tê và phát tia laser sinh nhiệt để gây xơ hoá thành mạch, khiến tĩnh mạch co lại, dẫn đến teo toàn bộ tĩnh mạch giãn. Tiếp theo, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình sẽ cắt lọc làm sạch tổ chức hoại tử nhiễm trùng, kết hợp biện pháp hút áp lực âm tổ chức (VAC) giúp tái tạo, kích thích tổ chức và liền vết thương tốt hơn. Sau khoảng hơn 1 tuần, bác sĩ tiếp tục sử dụng kỹ thuật chuyên sâu tạo hình ghép da mỏng, phục hồi che phủ tổn khuyết.
Sau 1 tháng điều trị, kiểm tra siêu âm cho thấy tĩnh mạch được đóng kín hoàn toàn, các triệu chứng của bệnh lý suy giãn tĩnh mạch đã giảm tới hơn 90%. Đồng thời, vết loét của bệnh nhân Tâm được ghép da thành công, tiến triển tốt, cuối cùng vết thương dần liền mặt, không còn đau đớn.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, các biện pháp điều trị và can thiệp xử lý hiệu quả vấn đề suy giãn tĩnh mạch và biến chứng, tuy nhiên quan trọng nhất là bệnh nhân cần kiểm soát yếu tố béo phì, là yếu tố nguy cơ mắc và tiến triển nặng của bệnh. Những người bị thừa cân hoặc béo phì thường có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ và ung thư. Để phòng tránh bệnh lý tĩnh mạch tiến triển trở lại cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, bệnh nhân cần giảm cân, kiểm soát chỉ số BMI ở trong mức 18,5 – 22,9.
Hai bệnh nhân Phạm Thái và Bùi Đức Tâm sau khi điều trị tại khoa Tim mạch và CTCH, tiếp tục được chuyển tới điều trị tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì. Theo bác sĩ Ngọc, người bệnh được cá thể hóa phác đồ điều trị kết hợp nội khoa, chế độ dinh dưỡng, vận động, sử dụng công nghệ cao… Các bác sĩ đồng hành cùng người bệnh, tái khám định kỳ để đảm bảo quá trình giảm cân đạt hiệu quả tối ưu, nhanh chóng và an toàn, phòng tránh nhiều biến chứng bệnh tật nguy hiểm.
*Tên người bệnh đã được thay đổi.
Siro Japa kids là sản phẩm nhập khẩu chính hãng từ Nhật Bản, được hàng triệu bà mẹ tin dùng để giúp con yêu chấm dứt biếng ăn, phát triển toàn diện về chiều cao, cân nặng và trí tuệ.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…