Hướng dẫn theo dõi glucose máu liên tục trên người tiểu đường
Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) vừa tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề ‘‘Hướng dẫn theo dõi glucose máu liên tục trên người bệnh đái tháo đường” tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhằm hướng dẫn và cập nhật thêm nhiều kiến thức mới trong lĩnh vực đái tháo đường, đặc biệt theo dõi đường huyết liên tục.
Chương trình có sự tham gia và chủ trì của phó giáo sư tiến sĩ bác sĩ Trần Quang Bính – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cùng ban lãnh đạo, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Nội Tổng hợp và Trung tâm Sản phụ khoa của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Trong buổi sinh hoạt, các báo cáo viên đã trình bày các chuyên đề liên quan đến theo dõi đường huyết liên tục trên người bệnh đái tháo đường. Trong đó, chuyên đề “Các yếu tố giúp kiểm soát đường huyết liên tục, vai trò của dinh dưỡng điều trị (MNT) và hướng dẫn triển khai theo dõi glucose trong máu liên tục của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam năm 2024” của tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cung cấp thông tin về khó khăn trong điều trị đái tháo đường đạt mục tiêu và nhấn mạnh dinh dưỡng thay thế góp phần kiểm soát một trong các yếu tố quan trọng trong đái tháo đường.
Cụ thể, mức đường huyết được xem là một trong các tiêu chí chẩn đoán bệnh đái tháo đường, nếu mức chỉ số vượt ngưỡng 126 mg/dL có thể gây nhiều biến chứng như tổn thương dây thần kinh, thận, tim mạch,… Vì vậy, việc theo dõi lượng đường trong máu rất quan trọng trong điều trị. Với cách kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà, thông qua các chỉ số (đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn,…), người bệnh có thể thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống để duy trì lượng glucose ở mức ổn định.
Bác sĩ Hoàng cho biết yếu tố cần kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường sẽ chuyển từ bộ 3 gồm: HbA1c, FPG và PPG thành bộ 6 gồm: HbA1c, FPG, PPG, hạ đường huyết, hạ đường huyết ban đêm và đặc biệt dao động đường huyết. Tuy nhiên, với phương pháp chích máu nhiều lần tại nhà (SMBG) tạo cảm giác đau và khiến người bệnh lo sợ. Khi theo dõi đường huyết 7 lần/ngày, kết quả đường huyết chỉ cung cấp hình ảnh tĩnh tại những thời điểm nhất định, không cung cấp thông tin về số lượng, mức độ và tình trạng dao động đường huyết.
Chính vì vậy, phương pháp đo đường huyết liên tục (CGM – continuous glucose monitoring) đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường và bác sĩ.
Các thiết bị CGM hiển thị bản trình bày chi tiết về những chỉ số đường huyết của người bệnh đái tháo đường ở từng thời điểm trong ngày, các ngày liên tiếp và thời gian dài hơn. Công nghệ này khắc phục được nhiều hạn chế như: phải đến cơ sở y tế nhiều lần; tốn nhiều thời gian chờ đợi, thiếu bức tranh đường huyết tổng thể; phải trích máu cho mỗi lần đo – giới hạn số lần đo; hồ sơ đường huyết,…).
Hơn nữa, thiết bị CGM còn hiển thị lại xu hướng lượng đường trong máu bằng cách tải xuống dữ liệu hoặc đưa ra hình ảnh thời gian thực về lượng đường huyết thông qua màn hình máy thu. Các cảm biến CGM cũng có thể đánh giá ngoại tuyến hiệu quả của kế hoạch điều trị cho từng người bệnh và kích thích phát triển các ứng dụng trực tuyến đổi mới, như: hệ thống cảnh báo hạ đường huyết, tăng đường huyết và thuật toán điều khiển vòng kín tuyến tụy nhân tạo.
Đặc biệt, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh một số điều cần chú trọng trong bài hướng dẫn theo dõi đường huyết liên tục (CGM) như: đối tượng được chỉ định, cách sử dụng, lưu ý các chỉ số và xây dựng nhóm hỗ trợ sử dụng CGM như bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên,…
Để cụ thể vai trò theo dõi đường huyết liên tục (CGM), bác sĩ chuyên khoa I Trần Đông Hải, khoa Nội Tổng hợp đã dẫn chứng 1 ca bệnh với các thông tin bệnh sử, tiền căn, kết quả cận lâm sàng, vấn đề và kế hoạch điều trị. Đồng thời, bác sĩ đưa ra một số hạn chế của phương pháp SMBG và khuyến cáo sử dụng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục (CGM). Theo đó, bác sĩ Hải lưu ý thêm về một số yếu tố tác động đến mức độ chính xác của số liệu, trường hợp và đối tượng cần thận trọng khi sử dụng phương pháp CGM.
“CGM có vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, lợi ích chỉ đạt được khi cả bác sĩ và người bệnh đều phải hiểu rõ và biết áp dụng một cách hợp lý” – bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Một trường hợp đặc biệt trong vấn đề theo dõi đường huyết – đái tháo đường thai kỳ được thạc sĩ bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản phụ khoa trình bày với chủ đề “Đái tháo đường trong thai kỳ – Tiếp cận theo dõi đường huyết liên tục tại khoa Sản” cũng được mọi người trao đổi rất nhiều, đặc biệt vấn đề dinh dưỡng, chia nhỏ khẩu phần ăn.
Buổi sinh hoạt khoa học là cơ hội để mọi người học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và cập nhật kiến thức về vấn đề theo dõi đường huyết liên tục. Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị, mang lại dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…